Những cách nấu chân giò ngon tuyệt đỉnh

Chân giò là thực phẩm dinh dưỡng được chế biến từ nguyên liệu là giò của heo bằng nhiều phương pháp như: hầm, xào, kho,…Để các món làm từ chân giò luôn phong phú, hấp dẫn trong bữa ăn gia đình, mời bạn đọc cùng tham khảo một số cách nấu chân giò tuyệt đỉnh dưới đây cùng Yêu bếp nghiện nhà nhé !

Chân giò xào lăn

Món chân giò xào lăn có lớp da vàng giòn, thịt quyện mùi sả thơm lừng, làm món ăn cơm hay món nhắm đều rất tuyệt. Bạn có thể mua nguyên liệu về trổ tài ngay tại nhà nhé!

Nguyên liệu

Thịt chân giò heo: 400g
Hành tím: 5 củ
Sả: 5 củ
Dầu hào: 2 muỗng canh
Dầu ăn: 4 muỗng canh

Các bước thực hiện

  • Thịt chân giò rửa sạch, nướng qua phần da trên lửa đến khi da hơi cháy là được.
  • Hành tím bóc vỏ, cắt mỏng. Sả bóc vỏ, cắt bỏ gốc rồi cắt mỏng.
  • Thịt chân giò cắt miếng mỏng vừa ăn. Ướp thịt với dầu hào trong khoảng 10 phút cho thấm.
  • Làm nóng dầu ăn trong chảo, cho hành tím vào phi vàng rồi vớt ra, để riêng.
  • Trút sả vào, đảo đều tay cho thơm. Sau đó cho thịt vào xào cùng. Chú ý xào trên lửa to.
  • Đảo nhanh tay đến khi thịt chín thì tắt bếp.
  • Cho thịt chân giò xào lăn ra đĩa, rắc hành phi rồi thưởng thức.

Chân giò giả cầy

Chân giò nấu giả cầy là món ăn ngon đậm đà, được người Việt ưa thích, có thể ăn cùng với cơm hoặc bún.

Nguyên liệu

1 cái chân giò lợn
1 củ riềng
3 cây sả
1 thìa bột nghệ
2 quả ớt sừng
1 thìa mắm tôm
2 thìa mẻ
1 thìa nước mắm, muối, dầu ăn, rau thơm

Các bước thực hiện

  • Chân giò đem thui bằng rơm cho tới khi phần da xém vàng, cạo rửa thật sạch sau đó đem chặt miếng to cỡ bao diêm.
  • Riềng cạo sạch vỏ thái nhỏ, sả bóc phần vỏ già rồi thái lát mỏng cho vào máy và xay nhuyễn hỗn hợp. Mẻ cho vào bát và thêm một ít nước khuấy đều sau đó lọc lấy nước.
  • Cho chân giò vào nồi cùng với riềng sả, bột nghệ, nước mắm, mắm tôm, ớt, nước mẻ, muối và đảo đều rồi ướp chân giò ít nhất 1 giờ hoặc qua đêm sẽ càng ngon hơn.
  • Chân giò sau khi đã ướp xong bạn đặt lên bếp, thêm 1 thìa dầu ăn và xào cho nguyên liệu dậy mùi thơm, xào cho thịt chân giò săn lại.
  • Đổ thêm nước xâm xấp mặt thịt rồi hầm khoảng 30 phút cho thịt chín mềm, bạn nên dùng nồi áp suất sẽ nhanh hơn. Thịt chân giò nấu giả cầy đã ngấm đều gia vị có thể nêm nếm cho vừa khẩu vị, lúc này nước sốt trong nồi sẽ còn khoảng một nửa so với ban đầu là bạn có thể tắt bếp.
  • Múc ra tô thưởng thức với bún hoặc cơm lúc còn nóng, ăn kèm rau ngổ hoặc các loại rau thơm sẽ rất thích hợp.

Chân giò nấu đông

Nguyên liệu

5 lạng thịt chân giò
1 cái tai lợn (nếu không thì một miếng bì lợn để tạo độ đông cho món ăn)
Mộc nhĩ, nấm hương, hành khô
Muối hạt, giấm
Gia vị: Nước mắm, mì chính, hạt tiêu

Các bước thực hiện

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Đối với thịt chân giò, chọn miếng thịt tươi ngon, sờ vào thấy rắn chắc, thớ thịt màu đỏ hồng, không có mùi ôi. Đem xát muối rửa sạch, thái từng miếng thịt vuông vắn.
  • Đem trần qua với nước đã đun sôi có chút muối, hành khô, gừng đập dập vào. Bước này giúp cho thịt được sạch, có mùi thơm và không bị vỡ khi nấu đông.
  • Sau khi trần qua, bạn rửa lại thịt bằng nước lạnh cho sạch những chất cặn bẩn bám vào, để ráo. Sau đó, ướp một ít nước mắm, một ít mì chính cho thịt ngấm, đậm vị.
  • Thịt các bạn thái khúc và trần qua nước sôi cho sạch. Đối với tai lợn, bạn phải chú ý ở những khía lõi ở cuống tai, vì đó là lỗ nhĩ nên chứa rất nhiều chất bẩn.
  • Cạo sạch chất bẩn, bóp rửa với một chút muối, giấm gạo (hoặc chanh) cho tai lợn sạch (nếu là miếng bì lợn thì chú ý bỏ bớt mỡ, cạo sạch lông).
  • Sau khi đã rửa sạch, các bạn cũng trần qua miếng tai lợn và nhanh chóng rửa lại sạch bằng nước lạnh, hoặc có thể ngâm vào một tô nước đá để tạo độ giòn cho miếng tai lợn (bì lợn).
  • Và cũng là cách để khi thái miếng tai lợn không bị dính vào nhau, vì bản thân tai lợn có chất nhờn dính. Sau khi nguội, các bạn thái tai lợn ra miếng nhỏ (đừng quá mỏng nhé).
  • Mộc nhĩ, nấm hương các bạn rửa qua, ngâm vào tô nước nóng cho mềm. Sau khi ngâm xong, rửa lại một lần nữa cho sạch, thái chỉ sợi hoặc khúc vuông tùy bạn, nhưng đừng quá nhỏ, tránh khi nấu mộc nhĩ, nấm hương sẽ bị nhũn ra, mất độ giòn dai. Hành khô các bạn bóc sạch vỏ, đập dập.

Bước 2: Thực hiện nấu

  • Bắc bếp, cho mỡ vào chảo, cho hành khô, mộc nhĩ, nấm hương vào xào, nêm nếm 1 chút gia vị, cho ít hạt tiêu vào đảo đều cho đậm đà. Cho hỗn hợp này ra 1 bát. Tiếp đó, bắc chảo mỡ, cho hành khô vào phi thơm, cho thịt chân giò, tai lợn vào xào qua.
  • Sau đó, các bạn bắc nồi lên để bắt đầu nấu món thịt đông nhé. Để tiết kiệm thời gian bạn có thể sử dụng nồi áp suất để nấu món này, vừa đỡ tốn công sức mà lại lưu giữ được mùi vị của món ăn.
  • Hoặc nếu không, bạn có thể nấu bằng bếp ga, bếp từ cũng được nhé. Bạn cho hỗn hợp thịt chân giò và tai lợn vào nồi, đổ nước xâm xấp đun lên. Khi sôi, các bạn chú ý hớt bọt ra để món thịt đông được trong, tạo thêm tính thẩm mỹ cho món ăn.
  • Sau khi thịt chín mềm cho hỗn hợp mộc nhĩ nấm hương vào đun thêm
  • Khi thịt đã chín mềm (khoảng 15 phút nấu bằng nồi áp suất, và thời gian này sẽ kéo dài hơn nếu các bạn nấu bằng bếp ga nhé), các bạn cho hỗn hợp mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu vào, nêm nếm gia vị vừa ăn, rồi đun sôi thêm khoảng 5 phút nữa là có thể tắt bếp.
  • Đổ hỗn hợp vào hộp (hoặc cho vào từng bát con), để nguôi. Sau đó, cho vào ngăn mát tủ lạnh để ăn dần. Khi lấy ra ăn, bạn nên đổ úp vào đĩa, hoặc bát, món thịt đông trông sẽ đẹp mắt.
  • Có thể trang trí thêm vài nhánh ngò (rau mùi) và một ít cà rốt tỉa hoa để món ăn thêm hấp dẫn.

Với những các cách nấu chân giò trên, hi vọng bạn có thể thực hiện ngay tại nhà mình. Yêu bếp nghiện nhà chúc bạn thành công!

About The Author


Leo Nguyễn

Ở vai trò là một giảng viên ẩm thực anh luôn dạy và truyền cảm hứng cho học trò tạo ra những món ăn ngon, những kĩ năng nấu nướng tuyệt vời. Và chàng đầu bếp này luôn dành 1 sự ưu ái đặc biệt đến các chị em nội trợ qua các khóa học nấu ăn và các chương trình ẩm thực trên truyền hình.

Leave a Comment